BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG
Hiện nay tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung trong đó có tỉnh Hưng Yên nói riêng. Bệnh tay- chân- miệng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc ngày một cao, nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn là rất dễ xảy ra.
Tay- chân- miệng là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh xảy ra quanh năm. Bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, cũng có thể gặp ở người lớn, nhưng thường gặp nhiều hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi, tập trung nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi và đỉnh cao ở trẻ từ 1-2 tuổi. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong
Nhân dân trên địa bàn phường dự buổi truyền thông tư vấn về cách phòng, chống bẹnh chân, tay, miệng tại Trạm Y tế phường Nhân Hòa
Những biểu hiện của bệnh Tay- chân- miệng:
Trẻ mắc bệnh Tay- chân- miệng sẽ có những biểu hiện như: sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi nốt phổng nước. Ban đầu có những chấm đỏ xuất hiện 01- 02 ngày sau khi sốt, sau đó tiến triển thành phổng nước và vỡ ra thành vết loét. Phỏng nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi và mặt trong của má.
Bệnh Tay- chân- miệng lây truyền cao nhất trong tuần đầu của bệnh, bệnh lây trực tiếp từ người sang người:
- Lây qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi, họng, dịch tiết của các nốt phỏng nước bị vỡ.
- Qua tiếp xúc giữa các trẻ với nhau hoặc đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà bị nhiễm virut.
- Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các loại dung dịch sát khuẩn trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng và thân thể trẻ luôn sạch sẽ, không cậy vỡ nốt phỏng nước để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh cho người khác.
- Ngâm tráng nước sôi bát, đũa, cốc, thìa trước khi sử dụng
- Thực hiện ăn chín, uống sôi và tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ, ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu.
- Không cho trẻ mút tay, không cần kiêng gió và ánh sáng, không đắp các loại lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng cho da.
- Vệ sinh môi trường, khử trùng lớp học và các đồ chơi của trẻ bằng Cloramin B 2% hoặc các loại dung dịch khử khuẩn thông thường khác
Khi trẻ bị mắc bệnh Tay- chân- miệng cần cho trẻ nghỉ học không đến lớp để tránh lây truyền bệnh cho những trẻ khác.
Cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu nghi ngờ để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cộng đồng thành dịch lớn.
Vì sức khỏe cộng đồng mọi người hãy tích cực tham gia hưởng ứng chung tay phòng, chống và đẩy lùi bệnh Tay- chân- miệng.