Bài tuyên truyền về hoạt động Pháp luân công

Bài tuyên truyền về hoạt động Pháp luân công

Pháp luân công còn được gọi là “Pháp luân đại pháp” do Lý Hồng Chí, sinh năm 1952, người ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc; sáng lập năm 1992 tại thành phố Thường Xuân, Trung Quốc

Đây là một môn sử dụng thiền, các bài tập sinh lực và các bài giảng đạo đức làm phương tiện để tu luyện trong tâm và thân thể, với mong muốn là sự chuyển hóa tinh thần, cảm xúc. Năm 1999, Pháp luân công phát triển rất mạnh ở Trung Quốc, tập hợp được hàng triệu người tham gia nhưng không dừng ở việc lôi kéo thêm đệ tử tập luyện, Pháp luân công còn kích động các đệ tử tiến hành nhiều cuộc biểu tình, bao vây trụ sở cơ quan nhà nước, gây rối trật tự công cộng ở Trung Quốc. Do đó, chính phủ Trung Quốc coi Pháp luân công là một tà giáo, là mối đe dọa và đã từng tổ chức trấn áp, cấm hoạt động cho đến nay.

Ở Việt Nam, Pháp luân công được du nhập từ năm 2000 qua số học sinh, sinh viên du học, khách du lịch, xuất khẩu lao động sang Trung Quốc và các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, Pháp luân công đang lén lút hoạt động phát triển lác đác ở một số tỉnh, thành phố với nhiều thành phần khác nhau tham gia. Ở một số tỉnh, thành phố đã hình thành các điểm, nhóm tập luyện Pháp luân công tại nơi công cộng và nhà riêng, với hình thức tập luyện ngồi thiền hoặc đứng, người tập có thể tập luyện một mình hoặc theo nhóm; trong quá trình tập mở nhạc riêng của Pháp luân công, có hướng dẫn bằng tiếng Trung Quốc và phiên dịch ra tiếng Việt để người tập dễ tập luyện.

       

Để phát tán tài liệu, kinh sách, băng đĩa, tờ rơi... có nội dung tuyên truyền Pháp luân công. Các đối tượng còn lén lút hoạt động đến từng gia đình, gặp riêng cá nhân từng người để hướng dẫn cách tập luyện. Đa số người tham gia tập luyện Pháp luân công là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, có bệnh tật. Họ cho rằng, khi tập luyện, thấy sức khỏe cải thiện, giảm căng thẳng, cân bằng cảm xúc. Nhưng bên cạnh một số mặt tích cực đó thì trên thực tế, họ không nhận thấy những biểu hiện tiêu cực của hoạt động Pháp luân công. Nó được che đậy bằng 3 từ “Chân - Thiện - Nhẫn” nhưng về bản chất là mê tín dị đoan, là phản khoa học. Pháp luân công lợi dụng hiệu quả cải thiện sức khỏe nhờ việc tập luyện khí công để “thần thánh hóa” khiến cho học viên lệ thuộc vào nó, người tham gia chỉ cần tập luyện, không cần uống thuốc cũng chữa khỏi bệnh. Hoạt động Pháp luân công mang tính chất tư lợi, những người đứng đầu muốn lôi kéo thật đông đệ tử tham gia để bài xích, hạ thấp hệ thống các tôn giáo khác, độc tôn cá nhân Lý Hồng Chí, khẳng định Pháp luân công là một môn phái khí công chính thống, duy nhất và tìm cách công khai hóa tổ chức giống như kịch bản đã từng sử dụng tại Trung Quốc. Hiện nay, tổ chức phản động Việt Tân đang tích cực hoạt động, móc nối với một số đối tượng hoạt động Pháp luân công để liên kết lực lượng ở trong nước nhằm chuyển hóa, tạo thành tổ chức chính trị đối lập. Một số cơ quan đặc biệt nước ngoài, các tổ chức phản động rất quan tâm đến hoạt động này.

Đặc biệt một số đối tượng cầm đầu, cốt cán đã có nhiều hoạt động lợi dụng tụ tập, đông người lôi kéo kích động có hành vi gây rối, phá hoại tài sản, xúc phạm đến lãnh tụ đất nước như vụ việc năm 2014, 04 đối tượng tự nhận là đệ tử Pháp luân công đã cầm búa ra lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định đập phá, dùng dây cáp nhằm kéo đổ tượng đài Lê nin ở vườn hoa trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Kế hoạch trên đều được nhóm này công khai trên mạng xã hội trước khi tiến hành. Năm 2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án 4 đến 6 năm tù với 04 đối tượng trên vì tội gây rối trật tự công cộng, phá hoại công trình Nhà nước. Một số đối tượng khác tại Vĩnh Phúc, Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum đã có hành vi tuyên truyền trái phép tài liệu Pháp luân công và bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Tại Ninh Bình, Công an tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng thu giữ 159 quyển kinh sách các loại, 31 đĩa CD, VCD, hơn 300 trang tài liệu, 01 đài phát thanh, 01 thẻ nhớ, xử phạt hành chính cảnh cáo và đuổi ra khỏi địa bàn 02 đối tượng, phạt tiền 01 đối tượng. Do vậy, nếu không đấu tranh ngăn chặn triệt để, Pháp luân công sẽ phát triển mạnh mẽ và có thể hình thành tổ chức chính trị đối lập. Ngày 22/8/2014, Ban Tôn giáo Chính phủ có Công văn số 896/TGCP-TGK về công tác đối với hoạt động Pháp luân công, trong đó khẳng định Pháp luân công ở Việt Nam không phải là một tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về “Tổ chức hoạt động và quản lý hội”, Pháp luân công không đủ điều kiện thành lập hội do không có điều lệ, không có trụ sở, không có đăng ký tham gia thành lập hội.

Từ tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của đối tượng xấu lợi dụng Pháp luân công để tuyên truyền chống phá Việt Nam và có hành vi vi phạm các quy định của Pháp luật, ảnh hưởng đến An ninh trật tự trên địa bàn, đề nghị mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn phường Nhân Hoà  nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết không tin, không theo Pháp luân công, xác định rõ tư tưởng: Pháp luân công không phải là một tín ngưỡng tôn giáo được nhà nước công nhận, việc tuyên truyền, tụ tập đông người tập luyện Pháp luân công là không được phép./.