Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu của công tác Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung, như: Công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau; Luật Căn cước công dân không quy định về cấp số định danh cá nhân cho trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát…
Để cụ thể hoá một số chính sách được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước. Xây dựng Luật Căn cước nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên Internet và mạng xã hội xuất hiện những luận điệu sai trái, bịa đặt, xuyên tạc chủ trương này nhằm hướng lái, “bẻ cong” vấn đề đảm bảo an ninh con người mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung thực hiện. Bằng những luận điệu không có căn cứ thực tiễn, các đối tượng có tư tưởng cực đoan, chống đối đã cố tình tung ra những thông tin sai sự thật, như “đi đâu cũng bị định vị”, “thẻ căn cước gắn chíp là để theo dõi người dân”, “Chính phủ, Bộ Công an thu thập dữ liệu cá nhân”; chúng xuyên tạc việc đổi tên từ Luật Căn cước công dân thành Luật căn cước để chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, tạo ra sự bức xúc, bất mãn, chống đối việc ban hành Luật căn cước cũng như việc triển khai thực hiện chiến dịch cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử của cơ quan chức năng… Thậm chí, các đối tượng còn ngụy tạo rằng “vì chỉ tiêu thiếu tính thực tế mà chính quyền ép dân làm căn cước công dân gắn chíp điện tử, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn bao biện chối trách nhiệm”… Những luận điệu trên cần phải được nhận diện, phòng ngừa kịp thời.
Do đó, nhân dân cần tin tưởng rằng việc cấp căn cước gắn chip điện tử sẽ tạo nên bước đột phá cơ bản trong hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời tích cực, nỗ lực phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng hoàn thành việc cấp căn cước gắn chip điện tử để góp phần tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta.
Vậy UBND phường đề nghị người dân cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)